Tạp chí âm nhạc podkast

Nhạc ngoại lời Việt : « Yêu đến muôn đời », bản gốc là của ai ?

0:00
NaN:NaN:NaN
Do tyłu o 15 sekund
Do przodu o 15 sekund

Tựa đề bản nhạc là bằng tiếng Nhật, nhưng giai điệu bài hát được viết trong tiếng Anh. Ca sĩ trình bày nguyên tác Sam Kapu Jr lại đến từ đảo Hawaii. Cho nên vào thời điểm phát hành nhạc phẩm « Choto Mate Kudasai » đầu thập niên 1970, đã từng có sự nhầm lẫn về nguồn gốc bản nhạc. Giai điệu này đến từ xứ nào ? Bài hát gốc do ai sáng tác ?

Trong tiếng Nhật, « Choto Mate Kudasai » (còn được nhiều nguồn ghi chép là Chotto Matte Kudasai) có nghĩa là làm ơn chờ giây lát. Bài hát này do nam ca sĩ Sam Kapu Jr trình bày lần đầu tiên vào năm 1971. Sinh trưởng tại đảo Hawaii, Sam Kapu Jr xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ thân phụ vốn có chất giọng baritone nồng ấm, mượt trầm, chuyên biểu diễn trên đài phát thanh, còn mẹ anh cũng là ca sĩ phòng trà, chuyên đi hát ban đêm tại các quán nhạc (Bina Mossman & Johanna Wilcox Glee Clubs).

Nối bước song thân, Sam Kapu Jr vào nghề ca hát thông qua việc ghi âm cho đài phát thanh tại Honolulu. Anh thành danh vào đầu thập niên 1970 trong một nhóm nhạc pop bên cạnh nam ca sĩ người Mỹ gốc Hoa Donald Tai Loy Ho. Do nghệ danh của ông gọi tắt là Don Ho, cho nên thường có sự nhầm lẫn giữa tên ông gốc Hoa với ca sĩ người Việt Nam Don Hồ. Ngoài ca hát, cả hai thành viên Sam Kapu Jr và Donald Ho còn xuất hiện trong phim ảnh, cũng như thành công trên đài truyền hình Mỹ ABC nhờ hai chương trình « Kona Coast » và « The Don Ho Show » (1976-1978).

Thời kỳ hoàng kim của Sam Kapu Jr là vào những năm 1970, thời anh lập kỷ lục số bán với nhạc phẩm  « Choto Mate Kudasai » (tựa tiếng Anh là Never Say Goodbye), đồng thời anh đã thành công với nhiều ca khúc khác, trong đó có Love của Nat King Cole, You've got a Friend của Carole King và nhất là phiên bản tiếng Anh Manhã de Carnaval (A Day in the Life of a Fool) nhạc chủ đề của bộ phim Orfeo Negro (Black Orpheus) của tác giả người Brazil Luiz Bonfá.

Về mặt sáng tác, « Choto Mate Kudasai » là của hai nữ tác giả Loyal Garner và Jeanne Marie Nakashima. Sinh trưởng tại đảo Hawaii (1946), Loyal Garner là ca sĩ kiêm tác giả thành danh vào những năm 1970 với ban nhạc Local Divas. Bốn thành viên của nhóm này đã phối hợp nhiều luồng ảnh hưởng với nhau, hòa quyện nhạc pop, nhạc jazz và soul, thậm chí một chút country với những điệu hát dân gian của các quần đảo Thái Bình Dương. Trong sự nghiệp của mình, Loyal Garner đã giành được hai giải thưởng âm nhạc của Hawaii Na Hoku Hanohano (tương đương với Grammy) dành cho giọng ca nữ xuất sắc nhất và giải Thành tựu sự nghiệp vào năm 2007.

Về phần mình, nhà soạn nhạc Jeanne Marie Nakashima là người Mỹ gốc Nhật. Sinh trưởng tại Hoa Kỳ (1936), cô được đào tạo trong lãnh vực sáng tác dương cầm và độc tấu nhạc cổ điển tại Trường Cao đẳng Âm nhạc Chicago. Mặc dù đi biểu diễn nhạc cổ điển thường xuyên từ khi còn nhỏ, nhưng khi vào nghề Jeanne Marie Nakashima lại chọn sáng tác các ca khúc nhạc pop, những giai điệu gần gũi dễ nghe cho thị trường Nhật Bản và các chương trình giải trí truyền hình trên đảo Hawaii ...

 

Chính tác giả Jeanne Marie Nakashima đã gợi ý đưa một số từ tiếng Nhật (kudasai, sakura, sayonara ….) vào trong một bản nhạc chủ yếu được viết bằng tiếng Anh. Điều đó tạo thêm nét khác lạ dễ thương cho giai điệu : Choto Mate Kudasai không những ăn khách trên đảo Hawaii mà còn được thính giả người Nhật tại Bắc Mỹ cũng như tại Châu Á ưa chuộng. Thành công của hai tác giả Garner và Nakashima đã ảnh hưởng sau đó đến trào lưu sáng tác ở vùng Thái Bình Dương kể cả những nhạc phẩm như « Million moons over Hawaii » (Muôn ánh trăng trên Hawaii) hay « Honolulu City Lights » (Đêm thành phố thắp sáng) phiên bản ghi âm của nhóm The Carpenters vào năm 1978 là bản phóng tác của nhóm The Beamer Brothers (Keola & Kapono). Do vậy có thể nói, đây là một bài hát tiếng Anh mang ảnh hưởng văn hóa Hawai, nơi có đến một phần năm dân số (22,3%) là người gốc Nhật theo khảo sát gần đây (2020) của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ.

Trong tiếng Việt, bài hát « Choto Mate Kudasai » từng được ca sĩ kiêm tác giả Trung Hành đặt thêm lời thành nhạc phẩm « Yêu đến muôn đời » do những nghệ sĩ nổi tiếng như Ngọc Lan, Diễm Liên hay Thanh Vân ghi âm lại, cho dù phiên bản tiếng Việt không giữ lại sắc thái của văn hóa Hawaii, khoác thêm nhiều lớp âm thanh đương đại :

« Đừng hỏi vì sao ta khóc, cành hoa buồn vương cội gốc, anh đào tiếc trời xanh biếc, khi đến phút giây từ biệt. Tình yêu đâu ngờ lại hết, yêu thương còn đâu dấu vết, khoảnh khắc tạ từ tha thiết, xin đừng nói câu vĩnh biệt. »

Więcej odcinków z kanału "Tạp chí âm nhạc"